Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Muốn vãng sanh thì đừng để tâm dính mắc, so đo !


Năm ấy, Lão Hòa thượng Quảng Khâm tu tại một ngôi chùa ở Đại lục, vị sư trong chùa vì muốn khảo nghiệm công phu của ngài, nên đã cố ý lấy tiền trong thùng công đức, rồi sau đó trước mặt mọi người, bảo rằng ngài đã ăn cắp. Kết quả là mọi người trong chùa đều nhìn ngài với cặp mắt khinh khi, cho rằng ngài là kẻ cắp. Nếu gặp hoàn cảnh này thì nhất định chúng ta khổ mà chết, chết oan uổng! Nhưng vì tâm ngài vãng sanh Cực Lạc, cho nên vẫn không dính mắc vào những lời vu cáo và phê phán của cõi đời này, cho nên bị người ta “khinh khi nhìn”, ngài cũng “như tắm gió xuân”, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự tự tại an vui của ngài. Cuối cùng, khi nhà chùa tuyên bố sự thật, mọi người không những sám hối mà còn khẳng định công phu tu tập của ngài, càng tôn kính ngài nhưng ngài chỉ nguyện vãng sanh Cực Lạc nên cũng chẳng tham luyến gì. Nguyện lực của Lão Hòa thượng rất kiên định: mọi người bảo ta là kẻ cắp, khinh rẻ ta, ta cũng vãng sanh Cực lạc! mọi người bỗng nhiên là vị cao tăng dày công phu, có tu có chứng, ta cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc! nguyện của ngài không dao, không động, không theo với hoàn cảnh, nhân sự bên ngoài mà lắc lắc lay lay, không bị người ta đưa đẩy cho nên khi lâm chung mới có thể “không đến không đi” (vô lai vô khứ), vì nguyện lực bình thường chính là không dao động.
Mọi người có thể thấy rõ người có nguyện lực kiên định, không dao động đều có thể chuyển biến hoàn cảnh, cải biến nhân sự, khiến mọi người khâm phục. Như thế thì tốt hơn nhiều so với việc tự mình bị dao động mà dính mắc, mà giải thích, vì sự giải thích biện luận của chúng ta càng thêm rối rắm tối tăm, chắc gì mọi người muốn nghe? Thực ra, người có tâm dao động thì tâm lực không kiên cường, lời nói nhất định không có sức ảnh hưởng đến người khác. Trước khi vãng sanh, Lão Hòa thượng có nói: “Vô lai vô khứ, vô đãi chí”, “Vô đãi chí” trong tiếng Đài Loan nghĩa là “không việc gì”, theo cách phát âm từ này có hai nghĩa. Vì bình thường chỉ có một đại nguyện (nhứt tâm chí) là vãng sanh Tây Phương chứ không có chí nguyện không tốt nào khác (vô đãi chí), cho nên không có sự việc luân hồi (không có việc gì) có thể không đến không đi (vô lai vô khứ) không giống như chúng ta năm tâm bảy ý, lắc lắc, lay lay, đi đi, đến đến, hoàn toàn là cái “đãi chí” của sáu đường luân hồi, không có cái “chân nguyện ” vãng sanh.
Một hôm có một bà cụ rất tức giận bảo với Lão Hòa thượng rằng cô con dâu của bà rất tệ, thường không nghe lời bà. Lão Hòa thượng chỉ hỏi bà: “Nếu dạ dày bà đau thì bà có cách nào bảo mình không đau không?”
Bà cụ đáp: “không thể được”. Lão Hòa thượng nói: “Bà tự bảo mình mà bảo không được, tự bản thân bà còn không nghe lời, làm sao có thể bảo người khác nghe lời bà được?”
Nếu chúng ta muốn chuyển đổi hoàn cảnh cho được như ý, chỉ cần nguyện lực của mình phải thành khẩn kiên cường. Chúng ta bình thường niệm Phật, lạy Phật tại Phật đường, xướng niệm “nguyện vãng sanh Cực Lạc”, nhưng khi ra khỏi Phật đường, gặp phải khảo đề trong sinh hoạt thì liền lãng phí sinh mạng mà dính mắc, so đo. Lãng phí sinh mạng thì uổng tử tại Ta Bà!
Ví dụ: con bạn thi rớt đại học, nên lòng bạn bị dính mắc vào, cảm thấy mất thể diện không dám ra ngoài gặp bạn bè sợ người ta hỏi “con ông đi thi thế nào?” nếu bạn có cái tâm như thế thì nên kiểm thảo lại cái nguyện muốn vãng sanh Cực Lạc của chính mình. Đương nhiên, hy vọng con mình đậu đại học là một hy vọng rất chính đáng, nhưng loại nguyện này một khi có vấn đề thể diện, lo được lo mất thì nó biến thành loại nguyện truy cầu danh lợi Ta Bà, sai khác với loại nguyện vãng sanh Cực Lạc của chính mình.
Người nguyện vãng sanh Cực Lạc thì không dính mắc vào danh lợi ở Ta Bà, không mong cầu đứa con làm thỏa mãn cái tâm hư vinh của mình. Người ấy sẽ giúp đứa con cùng sanh vào nước Cực Lạc, khiến cho chân tâm của đứa con được an lạc, sẽ bồi dưỡng lòng tin, sức nguyện và lòng từ bi của đứa con. Điều này khiến cho người ấy vui vẻ giúp người, và giúp ông vĩnh viễn được hạnh phúc rốt ráo. Người ấy sẽ nhận thấy con có đậu vào đại học hay không cũng không quan trọng lắm. Vì trên thế giới này, những người giúp ích cho chúng sanh không nhất thiết phải học đại học! Thực ra tự mình không qua được kỳ khảo hạch về tín và nguyện của đại học Cực Lạc mới là trọng yếu, tự mình phải uổng tử tại Ta Bà, luân hồi trong sáu nẻo, so với việc thi rớt đại học thì nghiêm trọng hơn nhiều!
Tôi quen biết một người nông dân mà mọi người đều tôn xưng là “Bồ Tát hoan hỉ”. Một hôm, bà đánh mất năm ngàn đồng, câu nói đầu tiên của bà là: “Người nhặt được cũng có thể dùng, như thế thật là vui!” Tâm của bà quả thật đã nguyện vãng sanh Cực Lạc, cho nên gặp chuyện gì bà đều nghĩ đến chỗ hạnh phúc nhất, nghĩ đến cái góc độ từ bi nhất, bà liền buông bỏ, bố thí, khiến cho chính mình ngay đó mà hạnh phúc; tự mình được hạnh phúc thì tự nhiên tỏa ra mùi thơm và ánh sáng hạnh phúc, khiến mọi người đều hạnh phúc! Nếu tự mình không hạnh phúc, mặt sầu mày khổ, ngày ngày buồn bã, tỏa khí u ám, bảo rằng có thể tạo phước cho mọi người thì quả là không thể được, mà có lẽ còn khiến cho mọi người phiền khổ. Cho nên, quả thực muốn giúp mọi người thì tự mình ngay đó phải sống hạnh phúc, vãng sanh Cực Lạc. Tự mình ngay đó hạnh phúc thì giống như ngọn đèn được thắp sáng, làm cho cả thế giới được sáng sủa.
Nếu trong tâm giống như một khối rác bốc mùi tanh, hoặc như một chiếc xe đầy khói đen, gây ảnh hưởng không tốt, làm cho cả thế giới bị ô nhiễm. Cho nên chớ xem thường một niệm của chính mình. Mỗi tâm niệm của chúng ta đều tỏa khắp vũ trụ, đều có ảnh hưởng đến cả thế giới. Không nên xem nhẹ một niệm vãng sanh Cực Lạc là niệm chân chính, buông bỏ mây đen rác rưởi, mới có thể mang lại cái hạnh phúc sáng sủa, mạnh mẽ, chiếu sáng chính mình và thế giới, cũng có thể ban cái công năng từ bi trừ khổ, mua vui. Cho nên bảo rằng “tín”, “nguyện” cũng là tâm Bồ Đề. Loại hạnh phúc sáng sủa và nhẹ nhàng này, một người mà ngày nào của lo được lo mất, không thể nào tượng tưởng ra được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét