Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

TẠP NIỆM CÀNG ÍT, THÂN TÂM CÀNG NHẸ.


Trước đây rất lâu, tôi nghe nói có một vị Pháp sư mỗi ngày vào buổi sáng đều lạy ba ngàn lạy. Lúc đó tôi không tin. Làm sao mà trong khoảng thời gian ngắn lại có thể lạy hết ba ngàn lạy? Bởi vì tôi lạy vừa chậm vừa nặng nề, có cố lạy nhanh như thế nào cũng không thể lạy hết ba ngàn lạy. Lúc đó cũng có người vì không tin như tôi, nên đã cùng tôi đi đến đó xem vị Pháp sư này lạy Phật và đếm thử xem.
Quả nhiên, trông Pháp sư lạy Phật không có gì vội vã, rất thong dong tự tại. Người xem chỉ có cảm giác như động tác của vị đó nhẹ nhàng, trôi chảy, như không có trọng lượng. Mọi người đếm số quả đúng là ba ngàn, không sót một lạy!
Sau đó tôi mới tin: Khi vọng niệm của con người càng ít, thì gánh nặng của thân thể càng giảm, càng cảm thấy nhẹ nhàng, động tác càng không có chướng ngại, nên mới có thể lạy nhanh như vậy.
Trong nhà Phật, những vị Pháp sư âm thầm dụng công như vậy rất nhiều. Tính ra, tôi chỉ là một người rất biếng nhác mà thôi.
LẠY PHẬT HÀM CHỨA NGUYÊN LÝ Y HỌC THÂM SÂU.
Trước đây tôi nghe Sư phụ Sám Vân dạy: “Lạy Phật là vận động tốt nhất, còn tốt hơn khí công và thái cực quyền”.
Lúc đó tôi còn chưa thể hội được. Về sau trong khi lạy Phật, tôi phát hiện ra rất nhiều lợi ích, cho đến mối quan hệ tương ứng giữa nguyên lý lễ Phật và y học, chừng đó mới lần lần hiểu được lời của Sư phụ.
Lạy Phật là môn vận động giúp thân, miệng, ý chúng ta thanh tịnh; có thể giúp tâm chúng ta khế hợp với tâm Phật và đương nhiên cũng có thể trị bệnh. Về mối quan hệ giữa lạy Phật và y học, chúng tôi sẽ có một chuyên đề riêng để bàn luận sâu rộng hơn. Ở đây chỉ xin nói lược qua đôi điều.
LẠY PHẬT CÓ HIỆU QUẢ ĐIỀU CHỈNH XƯƠNG SỐNG, CƯỜNG HÓA NỘI TẠNG, LÀM TĂNG TẾ BÀO MANG DƯỠNG KHÍ.
Con người hiện nay bị rất nhiều áp lực, tinh thần căng thẳng, cơ bắp toàn thân cũng tự nhiên căng cứng theo. Lại thêm vì thiếu vận động, cột xương sống trở nên cứng nhắc, rất khó uốn cong. Đứng về mặt y học mà nói, kẻ hở giữa những đốt xương trên cột sống là chỗ thần kinh và mạch máu đi qua. Thần kinh nơi tủy sống phụ trách quản lý các cơ quan nội tạng. Nếu khoảng cách giữa những đốt xương sống quá sát thì sẽ chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Cho nên, nếu thần kinh và mạch máu ở đốt xương sống nào đó bị chèn ép, thì đốt xương sống đó có vấn đề. Những chức năng của cơ quan nội tạng nào được sự giúp đỡ của dây thần kinh và mạch máu đó sẽ từ từ hư hoại. Bởi vì tư thế không đúng, cơ bắp căng cứng khiến xương cột sống đè lên nhau quá sát, máu chảy không thông, thần kinh bị ảnh hưởng, nên không thể đưa chất dinh dưỡng và dưỡng khí đến cung cấp cho những tế bào trong cơ quan nội tạng. Tế bào nếu thiếu dưỡng khí sẽ dễ dàng trở thành tế bào ung thư. Cho nên, điều này có liên quan rất lớn đến bệnh ung thư. Vì vậy chúng ta lúc bình thường, điều chỉnh các tư thế và động tác đi đứng nằm ngồi phối hợp với hơi thở, sẽ có ảnh hưởng tốt đối với tình trạng bệnh tật.
ĐỘNG TÁC LẠY PHẬT ĐÚNG ĐẮN GIÚP TIÊU TRỪ NHỮNG CHƯỚNG NGẠI VỀ MẶT SINH LÝ VÀ TÂM LÝ.
Động tác lạy Phật nếu đúng đắn có thể giúp ích cho việc trị liệu. Vì lúc lạy Phật phải cúi đầu xuống một cách dịu dàng, đến mức cằm đụng sát ngực, động tác này có thể giúp cột xương cổ gồm bảy đốt kéo giãn ra, đem lại những lợi ích sau đây:
1. Lượng máu dồn về bộ não đầy đủ:
Chỉ có hai đường huyết quản dẫn máu lên bộ não. Đường thứ nhất là động mạch cổ, đường thứ hai là động mạch xương sống. Động tác này khiến động mạch xương sốngkhông bị đè ép, lượng máu và dưỡng khí cung cấp bộ não sẽ thông suốt và nhiều hơn, do đó giúp nâng cao công năng bộ não.
2. Dịch tủy xương sống và não (cerebrospinal fluid) lưu thông:
Dịch tuỷ xương sống và não là lớp chất dịch tuần hoàn ở vòng ngoài tủy sống và bộ não, cũng như bên trong não thất. Nó có những công năng như sau: 1. Điều tiết sức ép của não. 2. Bảo vệ não. 3. Cung cấp chất dinh dưỡng. 4. Chuyển đưa các chất thải. Nếu tư thế của đầu, cổ không đúng, góc độ không ngay, sự lưu thông của chất dịch này bị cản trở, thì lớp tủy sống và não như bị ngâm trong nước ứ đọng không tươi mới, sức ép não cũng bất bình thường, dễ bị chứng nhức đầu, choáng váng. Động tác lạy Phật có thể giúp cho chất dịch của tủy sống và bộ não lưu thông, giúp tang cường công năng bộ não, có thể chỉ huy tế bào toàn thân một cách thỏa đáng.
3. Giúp hệ thần kinh ở xương cổ không bị ép, phát huy được công năng:
Thần kinh ở những đốt xương cổ có liên quan mật thiết với những chức năng của mắt, tim, huyết áp, khí quản và nước miếng. Thần kinh của cánh tay cũng đến từ xương cổ. Nếu hệ thần kinh trong xương cổ bị chèn ép, sẽ sinh ra các chứng như đau nhức, tê bại. Nếu thường lạy Phật, cúi đầu nhè nhẹ, kéo giãn các đốt xương cổ, thì có thể trị liệu những chứng bệnh ở các bộ vị nói trên.

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Không có việc nào gây ưu sầu, không có việc nào gây hối hả, vội vã


Tại Yến sào có một vị sư bà, pháp danh Ngộ Quang, bà từng đóng cửa hơn mười năm tu trì nghiêm túc. Bà có hai lời dạy nêu ra được tâm cảnh của bà, hết sức hay giản đơn mà sâu sắc, quả là một sự biểu lộ tín tâm, nguyện lực đầy đủ. Bà dùng âm thanh rất nhẹ nhàng, tự tại, rất ôn hòa nhu nhuyễn mà nói: “Không có việc nào gây ưu sầu, không có việc nào gây hối hả”, đây là hoàn cảnh sinh hoạt rất tốt đẹp, nghe được thì cảm thấy thân và tâm rất mát
mẻ. Một người chân thành tin vào Phật lực, tin vào tự tính, tín tâm đầy đủ thì không có việc nào gây ưu sầu, mà đều vãng sanh Cực Lạc, ưu sầu mà làm gì? Đối mọi sự ở thế giới Ta Bà, không còn quái ngại chấp trước thì không bị áp lực bức bách, không bị chuyện gì gây hối hả, mà tất cả đều hết lòng hết sức để hoàn thành tốt đẹp thì tự nhiên công việc được hoàn thành tốt đẹp. Hối hả cũng không thể nhanh hơn, không hối hả cũng không thể chậm hơn. Không thể để cho tâm tư lãng phí vì hối hả thì mới có thể thực sự hết lòng hết sức mà làm việc, lại có thể nhanh nhất trọn vẹn nhất!
Có người hiểu nhầm rằng nguyện vãng sanh Cực Lạc không dính mắc gì với thế giới Ta Bà thì không cần phải làm việc gì cả. Thật ra thì trái ngược lại, không dính mắc là không dính mắc với danh lợi cá nhân, không dính mắc với lợi hại, được mất của chính mình, mà trái lại tâm tình vui sướng, tâm cảnh rộng rãi, làm cái gì thì toàn tâm toàn lực mà làm, không lãng phí tâm tư vì so đo, hoặc gấp rút âu lo, làm việc gì cũng đều vui vẻ hết lòng hết sức, lại cảm thấy trong lòng thanh thản không có việc gì, không mệt mỏi. Như thế cũng giống như Bồ Tát Quán Thế Âm do trong lòng vô vi mà khởi lên tâm từ bi thì mới có thể toàn tâm toàn lực giúp chúng sanh dứt khổ, ban vui.
Điều chủ yếu của nguyện sanh Cực Lạc là sự điều chỉnh phương hướng và tiêu điểm của nội tâm, hoàn toàn không phải có sự sinh hoạt hình thức nào đó, đầy đủ một biểu hiện bên ngoài nào đó, hoặc phải làm một số sự việc thì mới là nguyện vãng sanh Cực Lạc. Câu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ: Có một vị sư trồng rất nhiều hoa lan. Một hôm khi ông có việc phải rời chùa, người đệ tử vô ý làm vỡ một chậu lan rất quí, rất đẹp, người đệ tử rất lo lắng sợ rằng khi sư phụ trở về sẽ quở mắng ông. Không ngờ, vị sư trở về chỉ mỉm cười, người đệ tử bèn hỏi: “Vì sao thầy không giận?” Vị sư đáp: “Ta vì muốn làm cho cảnh trí trở nên đẹp đẽ, khiến mọi người an vui mới trồng hoa lan, chứ không hề muốn nóng giận mà trồng hoa lan, cho nên chậu vỡ cũng không nóng giận!”
Câu chuyện trên gây cho chúng ta một ấn tượng thâm sâu. Một số người không những trồng hoa lan, mà có thể làm bất cứ việc gì cũng không tự chủ, lại bị dính mắc vào sự thành bại, được mất của sự việc, cảm thấy thành quả bị hư hoại, những mất mát không kể là hoa cỏ bị chết, hoặc đồ vật bị hư hoại, hoặc thi không đậu, hoặc con cái không nghe lời thì họ buồn bã phiền bực, đây cũng là uổng tử tại Ta Bà! Vị sư ấy nói đúng, “Ta hoàn toàn không muốn nóng giận mà trồng hoa lan”, ngài hiểu rất rõ động cơ mục đích của mình, có thể nói nguyện của ngài là an vui cùng với mọi người, và nguyện đồng sanh Cực Lạc, không hề nóng giận mà uổng tử tại Ta Bà.
Ta tự phản tỉnh, cảm thấy rất hổ thẹn không được như ngài! Vì có lúc làm việc, nguyện ban đầu là vãng sanh Cực Lạc, nhưng đến nửa chừng thì gặp trở ngại, mà bỗng nhiên uổng tử tại Ta Bà, lại tạo ra năm loại rác rưởi lớn là tham (tham lam) sân (nóng giận), si (ngu muội), mạn (kiêu ngạo), nghi (nghi ngờ).Thực ra thì phải giống như ngài mới là cái nguyện chân chính, trước sau như một, vẫn giữ gìn sự an vui thanh tịnh, gặp phải hoàn cảnh thuận hay nghịch, tâm cũng không thoái chuyển, không để cho đây đó rơi vào cái địa ngục thâm sâu của sự nóng giận, khổ đau.
Nếu trong sinh hoạt hàng ngày, con cái bạn phụ giúp việc mà lỡ đánh vỡ chén, làm hư đồ dùng, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, chỉ ôn tồn dạy bảo chúng, không giận dỗi không la mắng.
Khi về nhà, phát hiện bị trộm, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc mà vui vẻ bố thí, không sợ hãi âu sầu.
Giả như chồng bạn có ngoại tình, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, mà không nóng giận lại đối với chồng càng tốt hơn; trong công việc bếp núc, bạn vẫn nguyện vãng sanh Cực Lạc, vui vẻ lau chùi nồi niêu sạch sẽ.
Bạn bè có hiểu lầm bạn, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc mà không đau buồn, vì đức Phật A Di Đà hiểu bạn.
Hôm nay ăn được món ăn ngon, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, không vì tham ăn mà uổng tử tại Ta Bà.
Bạn trai hay bạn gái có đối xử tốt với bạn, bạn cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc, hiểu rằng Đức Phật A Di Đà đối với bạn tốt hơn, lại còn mãi mãi không thay lòng. Được như thế thì mới có thể ngay đây mà an lạc, nếu không thì khổ vẫn là khổ, giận vẫn là giận, ngoại trừ phải uổng tử ra thì không được gì cả. Sao bằng lấy uổng tử mà đổi thành vãng sanh!
Nếu trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể luyện tập, nêu cao nguyện vãng sanh Cực Lạc mà niệm Phật, thì khi sắp chết, nguyện lực sẽ mạnh mẽ, không có chướng ngại.
Mong rằng mọi người đều thuộc bài “kệ phát nguyện” mà trong các khóa tụng tại chùa thường được tụng:
Nguyện khi lâm chung không chướng ngại
Di Đà Thánh chúng đến tương nghinh
Xa rời ngũ trược, sinh tịnh độ
Trở lại Ta Bà độ hữu tình.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Muốn vãng sanh thì đừng để tâm dính mắc, so đo !


Năm ấy, Lão Hòa thượng Quảng Khâm tu tại một ngôi chùa ở Đại lục, vị sư trong chùa vì muốn khảo nghiệm công phu của ngài, nên đã cố ý lấy tiền trong thùng công đức, rồi sau đó trước mặt mọi người, bảo rằng ngài đã ăn cắp. Kết quả là mọi người trong chùa đều nhìn ngài với cặp mắt khinh khi, cho rằng ngài là kẻ cắp. Nếu gặp hoàn cảnh này thì nhất định chúng ta khổ mà chết, chết oan uổng! Nhưng vì tâm ngài vãng sanh Cực Lạc, cho nên vẫn không dính mắc vào những lời vu cáo và phê phán của cõi đời này, cho nên bị người ta “khinh khi nhìn”, ngài cũng “như tắm gió xuân”, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự tự tại an vui của ngài. Cuối cùng, khi nhà chùa tuyên bố sự thật, mọi người không những sám hối mà còn khẳng định công phu tu tập của ngài, càng tôn kính ngài nhưng ngài chỉ nguyện vãng sanh Cực Lạc nên cũng chẳng tham luyến gì. Nguyện lực của Lão Hòa thượng rất kiên định: mọi người bảo ta là kẻ cắp, khinh rẻ ta, ta cũng vãng sanh Cực lạc! mọi người bỗng nhiên là vị cao tăng dày công phu, có tu có chứng, ta cũng nguyện vãng sanh Cực Lạc! nguyện của ngài không dao, không động, không theo với hoàn cảnh, nhân sự bên ngoài mà lắc lắc lay lay, không bị người ta đưa đẩy cho nên khi lâm chung mới có thể “không đến không đi” (vô lai vô khứ), vì nguyện lực bình thường chính là không dao động.
Mọi người có thể thấy rõ người có nguyện lực kiên định, không dao động đều có thể chuyển biến hoàn cảnh, cải biến nhân sự, khiến mọi người khâm phục. Như thế thì tốt hơn nhiều so với việc tự mình bị dao động mà dính mắc, mà giải thích, vì sự giải thích biện luận của chúng ta càng thêm rối rắm tối tăm, chắc gì mọi người muốn nghe? Thực ra, người có tâm dao động thì tâm lực không kiên cường, lời nói nhất định không có sức ảnh hưởng đến người khác. Trước khi vãng sanh, Lão Hòa thượng có nói: “Vô lai vô khứ, vô đãi chí”, “Vô đãi chí” trong tiếng Đài Loan nghĩa là “không việc gì”, theo cách phát âm từ này có hai nghĩa. Vì bình thường chỉ có một đại nguyện (nhứt tâm chí) là vãng sanh Tây Phương chứ không có chí nguyện không tốt nào khác (vô đãi chí), cho nên không có sự việc luân hồi (không có việc gì) có thể không đến không đi (vô lai vô khứ) không giống như chúng ta năm tâm bảy ý, lắc lắc, lay lay, đi đi, đến đến, hoàn toàn là cái “đãi chí” của sáu đường luân hồi, không có cái “chân nguyện ” vãng sanh.
Một hôm có một bà cụ rất tức giận bảo với Lão Hòa thượng rằng cô con dâu của bà rất tệ, thường không nghe lời bà. Lão Hòa thượng chỉ hỏi bà: “Nếu dạ dày bà đau thì bà có cách nào bảo mình không đau không?”
Bà cụ đáp: “không thể được”. Lão Hòa thượng nói: “Bà tự bảo mình mà bảo không được, tự bản thân bà còn không nghe lời, làm sao có thể bảo người khác nghe lời bà được?”
Nếu chúng ta muốn chuyển đổi hoàn cảnh cho được như ý, chỉ cần nguyện lực của mình phải thành khẩn kiên cường. Chúng ta bình thường niệm Phật, lạy Phật tại Phật đường, xướng niệm “nguyện vãng sanh Cực Lạc”, nhưng khi ra khỏi Phật đường, gặp phải khảo đề trong sinh hoạt thì liền lãng phí sinh mạng mà dính mắc, so đo. Lãng phí sinh mạng thì uổng tử tại Ta Bà!
Ví dụ: con bạn thi rớt đại học, nên lòng bạn bị dính mắc vào, cảm thấy mất thể diện không dám ra ngoài gặp bạn bè sợ người ta hỏi “con ông đi thi thế nào?” nếu bạn có cái tâm như thế thì nên kiểm thảo lại cái nguyện muốn vãng sanh Cực Lạc của chính mình. Đương nhiên, hy vọng con mình đậu đại học là một hy vọng rất chính đáng, nhưng loại nguyện này một khi có vấn đề thể diện, lo được lo mất thì nó biến thành loại nguyện truy cầu danh lợi Ta Bà, sai khác với loại nguyện vãng sanh Cực Lạc của chính mình.
Người nguyện vãng sanh Cực Lạc thì không dính mắc vào danh lợi ở Ta Bà, không mong cầu đứa con làm thỏa mãn cái tâm hư vinh của mình. Người ấy sẽ giúp đứa con cùng sanh vào nước Cực Lạc, khiến cho chân tâm của đứa con được an lạc, sẽ bồi dưỡng lòng tin, sức nguyện và lòng từ bi của đứa con. Điều này khiến cho người ấy vui vẻ giúp người, và giúp ông vĩnh viễn được hạnh phúc rốt ráo. Người ấy sẽ nhận thấy con có đậu vào đại học hay không cũng không quan trọng lắm. Vì trên thế giới này, những người giúp ích cho chúng sanh không nhất thiết phải học đại học! Thực ra tự mình không qua được kỳ khảo hạch về tín và nguyện của đại học Cực Lạc mới là trọng yếu, tự mình phải uổng tử tại Ta Bà, luân hồi trong sáu nẻo, so với việc thi rớt đại học thì nghiêm trọng hơn nhiều!
Tôi quen biết một người nông dân mà mọi người đều tôn xưng là “Bồ Tát hoan hỉ”. Một hôm, bà đánh mất năm ngàn đồng, câu nói đầu tiên của bà là: “Người nhặt được cũng có thể dùng, như thế thật là vui!” Tâm của bà quả thật đã nguyện vãng sanh Cực Lạc, cho nên gặp chuyện gì bà đều nghĩ đến chỗ hạnh phúc nhất, nghĩ đến cái góc độ từ bi nhất, bà liền buông bỏ, bố thí, khiến cho chính mình ngay đó mà hạnh phúc; tự mình được hạnh phúc thì tự nhiên tỏa ra mùi thơm và ánh sáng hạnh phúc, khiến mọi người đều hạnh phúc! Nếu tự mình không hạnh phúc, mặt sầu mày khổ, ngày ngày buồn bã, tỏa khí u ám, bảo rằng có thể tạo phước cho mọi người thì quả là không thể được, mà có lẽ còn khiến cho mọi người phiền khổ. Cho nên, quả thực muốn giúp mọi người thì tự mình ngay đó phải sống hạnh phúc, vãng sanh Cực Lạc. Tự mình ngay đó hạnh phúc thì giống như ngọn đèn được thắp sáng, làm cho cả thế giới được sáng sủa.
Nếu trong tâm giống như một khối rác bốc mùi tanh, hoặc như một chiếc xe đầy khói đen, gây ảnh hưởng không tốt, làm cho cả thế giới bị ô nhiễm. Cho nên chớ xem thường một niệm của chính mình. Mỗi tâm niệm của chúng ta đều tỏa khắp vũ trụ, đều có ảnh hưởng đến cả thế giới. Không nên xem nhẹ một niệm vãng sanh Cực Lạc là niệm chân chính, buông bỏ mây đen rác rưởi, mới có thể mang lại cái hạnh phúc sáng sủa, mạnh mẽ, chiếu sáng chính mình và thế giới, cũng có thể ban cái công năng từ bi trừ khổ, mua vui. Cho nên bảo rằng “tín”, “nguyện” cũng là tâm Bồ Đề. Loại hạnh phúc sáng sủa và nhẹ nhàng này, một người mà ngày nào của lo được lo mất, không thể nào tượng tưởng ra được.